Chăn nuôi Việt Nam

Quyết định 167/2001/QĐ-TTg của Chính phủ đã tạo tiền đề cho ngành bò sữa Việt Nam (VN).

23/12/2014 22:56

Để có chính sách phù hợp hơn trong giai đoạn mới, trong năm 2015, Cục Chăn nuôi sẽ trình Chính phủ dự thảo quyết định mới cho chăn nuôi bò sữa. 

Bò sữa đang tạo nên dấu ấn đậm nét trong ngành nông nghiệp.
Bò sữa đang tạo nên dấu ấn đậm nét trong ngành nông nghiệp.
 

Phấn đấu cung cấp 70% nhu cầu

Dư địa phát triển đàn bò sữa của VN còn vô cùng lớn. Chúng ta đang đặt mục tiêu lượng sữa bình quân đầu người bình quân khoảng 16 lít/năm nhưng thực tế mới tự túc được 28%, tương đương 4-5 lít/người/năm.

Định hướng đến năm 2030, khi VN trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhu cầu sữa sẽ tương đương với các nước phát triển hiện nay, khoảng 70 lít/người/năm. Khi đó, nếu tạm tính dân số 100 triệu người, nếu VN tự SX sữa đáp ứng được 60-70% nhu cầu trong nước đã là rất thành công.

Thời gian qua, tốc độ đàn bò sữa tăng trung bình từ 13-15%/năm nên chỉ là ở mức cao chứ chưa phải là tăng trưởng nóng, có chăng chỉ tăng trưởng nóng ở một số địa phương cục bộ. Còn lại các DN lớn, có thị phần chi phối như TH True Milk, Vinamilk… đều có lộ trình bài bản.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đặt mục tiêu khá khiêm tốn đến năm 2020, đàn bò sữa VN đạt 300 nghìn con, tuy nhiên hiện đã đạt trên 200 nghìn con, việc chúng ta đạt mục tiêu đề ra là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể vươn tới 500 nghìn con.

Bản đồ bò sữa đã cơ bản thay đổi. Việc lựa chọn địa bàn phát triển bò sữa quan trọng nhất đang nằm ở chỗ xác định nơi nào có khả năng trồng cỏ, và dân có khả năng đầu tư. Tiêu chí này nhiều địa phương có thể lựa chọn được những nơi phù hợp.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, khâu quy hoạch phải đi trước một bước, đặc biệt là quy hoạch quỹ đất trồng cỏ, quỹ đất chuồng trại, như cách làm của tỉnh Hà Nam thời gian qua là rất bài bản.

Việc hình thành các vùng chăn nuôi bò sữa, bao gồm cả đất trồng cỏ và một phần diện tích xây dựng chuồng trại bò sữa theo tôi không làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, vì vậy các địa phương hoàn toàn có thể mạnh dạn quy hoạch chuyển đổi các vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển bò sữa.

Nếu giải quyết được bài toán quy hoạch, sẽ giải quyết được vấn đề môi trường. Công nghệ xử lí môi trường hiện nay không khó. Về cơ bản, Biogas vẫn rất phù hợp, bởi có thể đồng thời phục vụ trồng cỏ nuôi bò, dĩ nhiên mật độ nuôi phải ở một mức phù hợp nhất định. Hiện quy mô bò sữa nông hộ mới chỉ đạt 5 con/hộ (so với mức 35-45 con/hộ ở các nước), tuy nhiên quy mô lí tưởng ở VN sẽ là từ 15 đến 30 con/hộ.

Lập lại quản lí giống

Bò sữa quy mô trang trại và công nghiệp hiện nay phù hợp với bò sữa thuần, có thể tự tạo từ nguồn bò sẵn có, hoặc nhập bổ sung từ nước ngoài.

Đối với bò sữa thâm canh nông hộ, tốt nhất vẫn là nuôi bò lai F2, khoảng ¾ máu ngoại, trên cơ sở cải tạo và lai với đàn bò Sind. Hiện năng suất sữa trung bình bò nông hộ đã lên tới 25 lít/con/ngày, tương đương với hơn 7 tấn/chu kỳ, trong khi lâu nay chúng ta mới chỉ đang tính năng suất sữa bình quân khoảng 4 tấn/chu kỳ. Thực tế này cho thấy mức thâm canh của bò sữa nông hộ đã có bước nhảy vọt đáng bất ngờ.

Vì vậy yêu cầu phải có nguồn tinh bò cao sản là hết sức cấp thiết. Hiện trung tâm tinh bò Moncada vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu SX bò sữa đại trà, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên về lâu dài, khi chăn nuôi nông hộ dần đi vào thâm canh, nhất định phải có nguồn tinh từ đàn bò cao sản từ con mẹ có năng suất sữa phải đạt từ 12 tấn sữa/chu kỳ trở lên mới ổn.

Về tinh phân biệt giới tính, Cục Chăn nuôi vẫn đang quản lí việc cho phép NK, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc thẩm định thông qua hồ sơ đăng ký của các DN, mà chưa quản lí được chất lượng tinh NK về.

Cục Chăn nuôi cũng đang sửa chữa để ban hành thông tư quản lí giống vật nuôi, trong đó có quản lí về tinh. Theo đó, Cục quản lí chặt chất lượng tinh bò sau khi NK, chỉ cho phép NK tinh từ nguồn chọn lọc, có nguồn gốc lí lịch rõ ràng ở các Cty đã được thẩm định chất lượng tinh có uy tín tốt, đã được thẩm định đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là tinh phân biệt giới tính. Bởi đây là mặt hàng rất đắt, để đảm bảo một bò sinh ra bê cái phải tốn 4-5 triệu/lần.

Cục Chăn nuôi sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm thắt lại việc quản lí tinh NK, cũng như tinh bò trong nước.

Nguồn bò sữa giống trong nước cũng đang là vấn đề cấp thiết sẽ phải thắt chặt quản lí. Trước đây, các vùng ngoại thành TP.HCM đi trước cả nước trong chăn nuôi bò sữa, vì vậy nguồn bò giống từ phía Nam chuyển bán ra Bắc khá lớn, theo phản ánh của các địa phương phía Bắc, đã có tình trạng bò giống kém chất lượng, năng suất sữa thấp…

Trong chương trình giống giai đoạn 2000 – 2005 do Viện Chăn nuôi làm chủ đầu tư đã từng có dự án thực hiện quản lí đàn bò sữa cả nước bằng việc đeo thẻ tai nhằm quản lí lí lịch. Tuy nhiên khi đã thực hiện đeo thẻ tai được khoảng 60% đàn bò thì dự án hết hạn.

Về sau, một phần do đàn bò phát triển quá nhanh, nhiều đơn vị NK bò ngoại về nên số lượng bung ra, việc quản lí càng khó khăn, trong khi không còn kinh phí để duy trì tiếp dự án.

Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ sử dụng tinh “tù mù”, có thể dẫn tới tình trạng thụ tinh cận huyết, làm giảm chất lượng đàn bò, đặc biệt đối với bò chăn nuôi nông hộ. Vì vậy, việc lập lại chương trình quản lí lí lịch đàn bò sữa toàn quốc sẽ là công việc mà Cục Chăn nuôi phải làm ngay trong thời gian tới. Điều này cũng rất khả thi bởi đàn bò sữa cả nước không phải quá lớn. Tại Đài Loan, qua tham quan cho thấy công tác quản lí lí lịch đàn bò sữa họ làm rất bài bản.

Quyết định 167/2001/QĐ-TTg của Chính phủ (QĐ 167) về chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa, mặc dù tinh thần của nó đến nay vẫn còn, nhưng thời hạn hiệu lực đã hết vào năm 2010. 

Hiện tại, Cục Chăn nuôi đang đề nghị sớm tổng kết QĐ 167, đồng thời đang trong quá trình ban hành dự thảo quyết định mới trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2015 với những sửa đổi phù hợp hơn trước tình hình mới.

Về tổng thể, QĐ 167 chỉ xác định chính sách đối với các vùng bò sữa có điều kiện ưu đãi, tuy nhiên không gian chăn nuôi bò sữa hiện nay đã không còn bó hẹp như trước, bản đồ bò sữa đã thay đổi. Vì vậy, quyết định mới sẽ được điều chỉnh theo định hướng dài hạn tới năm 2030, với quy mô đàn phù hợp. 

Về chính sách hỗ trợ, thay vì trực tiếp của Nhà nước như trước đây sẽ chuyển sang cơ chế tạo môi trường đầu tư mở, thu hút đầu tư tư nhân, có bàn tay của DN. Nhà nước chỉ tạo điều kiện về quy hoạch, đất đai, quy hoạch đồng cỏ, đặc biệt là chính sách cho chuyển đổi các vùng đất bãi và một phần đất lúa, đất nông nghiệp khác kém hiệu quả…, hỗ trợ thông qua DN như xử lí cải tạo môi trường vùng chăn nuôi lớn, chính sách cải tạo và quản lí đàn giống… 

Dự thảo quyết định mới cho bò sữa sẽ đặc biệt chú trọng cho chính sách đầu tư mới, tạo ra ngành hàng có vị thế đặc biệt của ngành nông nghiệp VN, mục tiêu giúp nông dân làm giàu chứ không phải xóa đói giảm nghèo như trước. Bởi khác với nhiều ngành nông nghiệp khác, chăn nuôi bò sữa là lĩnh vực khá đặc biệt khi chỉ có hầu hết DN người Việt làm chủ. Hiện trong số gần 10 DN ngành bò sữa lớn trong cả nước thì có tới 9 DN nội địa, chỉ có mỗi Cty sữa Cô Gái Hà Lan là DN ngoại. 

Tác giả: Nguyễn Xuân Dương

Phó Cục trưởng – Cục Chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Bài viết khác: